Chỉ cần sau 1 giây, nghe xong chủ ngữ, phiên dịch cabin đã “nổ súng” và cuộc hành trình chuyển tải ngôn ngữ bắt đầu. Đó là những “quái kiệt” trong làng phiên dịch.
Nghề của các “quái kiệt”
Dịch “cabin” được coi là khó nhất trong các loại hình phiên dịch ở chỗ người dịch phải nói song song với diễn giả, người ta nói đến đâu thì mình cũng phải dịch đến đó. Quỳnh Chi – làm phiên dịch trong lĩnh vực lao động mô tả công việc của mình: “Não luôn phải chia làm hai phần, một phần tiếng Anh một phần tiếng Việt”.
Nổi danh là một chuyên gia dịch “cabin” có hạng, anh Đặng Xuân Thân -Giám đốc Đào tạo Viện phát triển giáo dục IVN cho biết: “Người Anh có tốc độ nói là 300-350 từ/phút, còn người Mỹ là 350-450 từ/phút nên khó có thể dịch đủ ý theo cách nghe hết câu thứ nhất mới vừa dịch, vừa nhớ câu thứ hai. Thường thì tôi chỉ cho phép mình dịch sau người nói 1 giây, nghe xong chủ ngữ là “nổ súng”.
Bí quyết của anh là “phải nắm chắc và sử dụng linh hoạt, nhuần nhuyễn các cấu trúc câu (nhất là trong tiếng Anh). Dịch “cabin” thực sự là một công việc đầy sức ép và sự căng thẳng. Nhiều người cho biết đầu mình khi ngồi “cabin” không khác gì một lò than”.
>> Tham khảo dịch vụ: Phiên dịch tiếng Hàn Cabin
Am hiểu về lĩnh vực mình dịch là điều rất quan trọng gần như là bắt buộc nếu muốn trở thành phiên dịch giỏi. Chẳng thế mà Quỳnh Chi đã tự bắt mình nắm hầu hết các vấn đề liên quan đến lao động chẳng khác nào một chuyên gia. Một kiến thức bền vững như vậy giúp Chi rất tự tin. Thậm chí nếu tối nay người ta gọi mai đi dịch thì vẫn “OK”.
Hay như anh Thân, một phiên dịch chuyên nghiệp có khả năng dịch trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, văn hoá, xã hội, dược cho đến văn học, thơ ca. Nhìn vào “lý lịch” thì sẽ hiểu được: Từ năm 1993 đến nay dạy và thiết kế chương trình tiếng Anh kinh tế-tài chính-thương mại cho Viện IVN; Chủ nhiệm Bộ môn Văn học sử-Đất nước học của Đại học Ngoại ngữ Quân sự từ năm 1993-2002; nhiều năm dạy tiếng Anh cho chuyên gia VN đi châu Phi và làm việc với các hãng dược…
Thuật ngữ và con số luôn là những “chướng ngại vật” của các phiên dịch “cabin” nhất là trong các hội thảo chuyên ngành. Thực tế ngay chính các chuyên gia của VN cũng rơi vào trường hợp lần đầu nghe đến. Thành Quế-chuyên viên của Bộ LĐTB&XH thường xuyên phải “đối mặt” với các thuật ngữ như vậy. Bởi để tìm ra một từ sát nghĩa phù hợp với từ người nói đưa ra thật chẳng dễ chút nào.
Lương cao nhưng không “dễ chơi”
Người phiên dịch cabin được trả khá cao (250USD/ngày), nhưng cũng là tương xứng với lao động bỏ ra. Không phải cứ giỏi ngoại ngữ là ngay lập tức trở thành một phiên dịch cabin.
Khi còn là sinh viên ngày ngày Chi lấy các băng hội thảo ra sau đó đeo tai nghe vào và dịch. Có ngày luyện dịch liên tiếp 6 tiếng đồng hồ, tai sưng cả lên. Đến khi đi làm cô cũng phải “vác sách bút” lên hỏi các chuyên gia để họ giảng giải cho mình hiểu các vấn đề liên quan đến lao động chẳng khác nào như đi học.
Thời gian đầu tư để trở thành một phiên dịch cabin “cứng” có thể là 2, 3 năm hoặc đến chục năm. Nhưng “khắc nghiệt” là ở chỗ thời gian cống hiến lại không lâu, phải nghỉ hưu sớm nên tuổi thọ nghề không cao. Bởi để làm phiên dịch cabin thì phải nhanh nhạy, điều này chỉ có ở những người trẻ. áp lực với người dịch cabin là rất lớn.
Có nhiều trường hợp người ta dừng hội thảo lại để đưa ra lỗi của phiên dịch ngay lúc đó. Thành Quế kể lại có lần khi đang dịch có một chuyên gia đứng lên “chỉnh” ngay làm anh cảm thấy hơi căng thẳng. Nhưng lập tức phải bình tĩnh lại để dịch tiếp. Anh Thân cho rằng: “Muốn thành thục thì phải biết cảm ơn những vấp váp, đó là những cơ hội trời cho để giúp mình tiến lên”.
>> Tham khảo thêm các dịch vụ khác:
- Phiên dịch tiếng Hàn hội thảo
- Phiên dịch tiếng Hàn chuyển giao công nghệ
- Phiên dịch tiếng Hàn du lịch
- Phiên dịch tiếng Hàn đàm phán
- Dịch thuật tiếng Hàn chuyên nghiệp
Khó khăn và áp lực, nhưng đôi khi công việc mang lại những món quà thật bất ngờ. Trong một lần dịch hội thảo về quan hệ lao động, do cô bạn không dịch được, Chi đã phải đảm nhận cả ba ngày liên tục. Hôm kết thúc, cả hội thảo đứng dậy vỗ tay rầm rầm làm cô cảm thấy thật hạnh phúc.
Còn đối với Đặng Xuân Thân sau một ngày làm việc tại hội nghị quốc tế về năng lượng mới đây, đích thân ông Chủ tịch hội nghị đã đến bắt tay anh để cảm ơn. Đó là lời khen tự đáy lòng bởi đó là hội thảo của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA với đầy những thuật ngữ mới và chuyên ngành chưa có trong tiếng Việt.
Tại những hội nghị lớn, được tiếp xúc với giới lãnh đạo, các chuyên gia nước ngoài là điều không phải ai cũng có cơ hội. Và họ học được rất nhiều từ đó.
Trong phiên dịch có 2 loại chính là dịch ứng đoạn và dịch “cabin”. Dịch “cabin” vẫn được coi là “more challenging” vì phải cho ra sản phẩm ngay lập tức, không có thời gian nghỉ ngơi nên rất căng thẳng.
Chính vì thế chi phí trả cho phiên dịch “cabin” thường cao hơn phiên dịch ứng đoạn. Những người dịch “cabin” thường được nhận 250-300USD/ngày”.
(Theo TP)